Quá trình đàm phán Kế_hoạch_Marshall

Trang đầu bản Kế hoạch Marshall

Việc biến kế hoạch thành hiện thực đòi hỏi có sự đàm thoại giữa các quốc gia liên quan, đồng thời kế hoạch này cần được thông qua tại Quốc hội Mỹ. Vì vậy mười sáu quốc gia đã nhóm họp tại Paris để quyết định viện trợ của Mỹ sẽ ở dưới dạng gì và sẽ được phân chia ra sao. Quá trình đàm phán kéo dài và phức tạp, với mỗi quốc gia đều có mối quan tâm của riêng mình. Bận tâm chính của Pháp là làm sao để Đức không thể tái lập thành một cường quốc mang lại hiểm họa như trước. Các quốc gia Benelux, dù cũng phải gánh chịu ách thống trị của Đức Quốc xã, nhưng đã từ lâu gắn kết với nền kinh tế Đức, hiểu rằng sự phồn vinh của mình tùy thuộc vào việc nước Đức có hồi phục được hay không. Các quốc gia Scandinavia, đặc biệt là Thụy Điển, nhấn mạnh là sự giao thương tồn tại lâu dài giữa họ và các quốc gia Đông Âu không bị gián đoạn, và sự trung lập của họ không bị xâm phạm. Nước Anh muốn được hưởng quy chế đặc biệt, vì e ngại là nếu họ chỉ được đối xử ngang hàng với các quốc gia bị tàn phá trong chiến tranh, thì có lẽ họ sẽ chẳng nhận được mấy viện trợ. Người Mỹ thì thúc đẩy tự do mậu dịch và thống nhất châu Âu để tạo nên bức tường thành chống lại chủ nghĩa cộng sản. Chính quyền Truman, đại diện bởi William Clayton, hứa hẹn với châu Âu là họ sẽ được tự do lập kế hoạch, nhưng chính quyền Mỹ cũng nhắc nhở họ là để kế hoạch có thể được đưa vào thực hiện, nó phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Phần lớn Quốc hội Mỹ muốn có tự do mậu dịch và thống nhất châu Âu, nhưng cũng ngần ngại không muốn bỏ quá nhiều tiền ra để trợ giúp Đức.[31]

Cuối cùng họ cũng đạt được thỏa thuận và châu Âu gửi một bản kế hoạch tái thiết cho Washington. Theo bản kế hoạch này, châu Âu yêu cầu 22 tỷ đô la viện trợ. Truman cắt giảm số này xuống còn 17 tỷ đô la trước khi đưa ra Quốc hội. Kế hoạch này vấp phải sự phản kháng kịch liệt từ phía đối lập trong Quốc hội, phần lớn là từ phía người của đảng Cộng hòa, vốn trủ trương biệt lập và không muốn có một chương trình chi tiêu ngân sách quá nhiều. Đại diện nổi bật nhất của họ là Robert A. Taft. Kế hoạch này cũng gặp sự phản đối từ cánh tả, với Henry A. Wallace là người phản đối mạnh nhất. Wallace cho rằng kế hoạch này là hình thức trợ giá cho các nhà xuất khẩu của Hoa Kỳ, và đoán chắc nó sẽ gây ra sự phân cực trên thế giới giữa phương Đông và phương Tây.[32] Sự phản đối kế hoạch này giảm mạnh bởi cơn sốc gây do cuộc lật đổ chính phủ ở Tiệp Khắc vào tháng 2 năm 1948. Rất nhanh sau đó một dự thảo 5 tỷ đô la được Quốc hội thông qua với sự ủng hộ đến từ cả hai đảng. Quốc hội Mỹ sau cùng chấp thuận đóng góp 12,4 tỷ đô la trong vòng 4 năm cho Kế hoạch Marshall.[33]

Ngày 13 tháng 4 năm 1948, Tổng thống Truman ký bản Kế hoạch Marshall thành luật, thiết lập Ủy ban Hợp tác Kinh tế (Economic Cooperation Administration - ECA) để giám sát chương trình này và giao cho Paul G. Hoffman lãnh đạo. Cùng năm, các quốc gia tham gia kế hoạch này (Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Tây Đức, Anh, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ KỳHoa Kỳ) ký bản thỏa ước thiết lập một cơ qua điều phối viện trợ-tài chính, Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (tiền thân của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), do Robert Marjolin lãnh đạo.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kế_hoạch_Marshall http://www.cnn.com/SPECIALS/cold.war/episodes/03/d... http://www.commentarymagazine.com/Summaries/V89I1P... http://news.enquirer.com/apps/pbcs.dll/article?AID... http://books.google.com/books?id=WDgBBzWQ2DAC&pg=P... http://www.nationsencyclopedia.com/Europe/Finland-... http://www.time.com/time/archive/preview/0,10987,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9...